Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ và truyền thông Aibiz

send us email [email protected]

call us +84 243-514-7688

address 5-6 floor, 59 Lang Ha Building

Phần mềm giám sát bản quyền âm nhạc: Giải pháp gia tăng giá trị sở hữu trí tuệ

Vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc trên phát thanh và truyền hình hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên mới đây, phần mềm giám sát bản quyền âm nhạc đã được ra đời giúp giải đáp bài toán trên đồng thời giúp gia tăng giá trị sở hữu trí tuệ.

Suốt thời gian qua, những tranh cãi xoay quanh vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi khách sạn đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Trong khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) cho biết sẽ tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua tivi tại phòng lưu trú khách sạn thì các chủ khách sạn đã có những phản ứng gay gắt về vấn đề trên vì cho rằng việc thu phí không minh bạch.

Trước vấn đề này thì Công ty cổ phần giải pháp công nghệ và truyền thông AiBiz đã cho phát triển phần mềm giám sát bản quyền âm nhạc trên truyền hình. Đây được xem là lời giải cho bài toán gây nhiều tranh cãi trên.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị AiBiz Đặng Đình Long, đây thực chất là một tập hợp nhiều giải pháp công nghệ đan xen. Cụ thể, phần mềm này sẽ thu thập dữ liệu đầu vào là các chương trình phát sóng trên khoảng 90 kênh của các đài truyền hình tại Việt Nam (lọc bỏ những kênh chuyên phát các thể loại không liên quan tới nhạc), cứ 5 phút/đoạn thu, đưa vào một phần mềm chuyên biệt. Hệ thống thu thập dữ liệu hoạt động 24/24h và có thể điều khiển từ xa qua hệ thống tin nhắn tới điện thoại kỹ thuật viên. Sau đó, nhờ bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống sẽ tự động nhận diện những đoạn video có phát nhạc và đánh dấu để chương trình nhận diện tự động và kỹ thuật viên dễ nhận biết.

Tiếp theo, với từng bài hát, đoạn nhạc được phát sóng, hệ thống tự động chia thành nhiều đoạn nhỏ 5 giây. Nhờ công nghệ auto-matching (tự động tìm kiếm, đối chiếu âm thanh), chúng được so sánh với cơ sở dữ liệu của Aibiz. Trường hợp tác phẩm trên truyền hình hoặc radio trùng khớp trên 95%, máy sẽ tự động ghi nhận toàn bộ thông tin như tên bài hát, chương trình, tác giả, ca sỹ…

Nếu sai số tới 5%, hệ thống sẽ gửi lại, yêu cầu kỹ thuật viên mô tả thông tin (giai điệu, tên bài hát, ca sỹ, tác giả…) và cắt mẫu đưa vào cơ sở dữ liệu với tư cách một mẫu mới. Như vậy, với một bài hát, đoạn nhạc, sau khi sử dụng hệ thống này, chúng ta sẽ có thông tin phục vụ cho việc thu phí bản quyền.

Lợi ích của phần mềm giám sát bản quyền âm nhạc

Như vậy có thể thấy lợi ích mà phần mềm này mang lại rất lớn. Nó không chỉ giúp các đài truyền hình/phát thanh có cơ sở để đàm phán mức giá, tính đúng, tính đủ tiền bản quyền cho tác giả và ca sỹ mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm âm nhạc và kinh doanh hình ảnh người nổi tiếng có cơ sở để đàm phán mức giá bản quyền.

Đồng thời, các ca sỹ hay nhạc sĩ cũng nhờ phần mềm này để giám sát được tần xuất xuất hiện hình ảnh của mình trên thị trường, từ đó có cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch truyền thông hình ảnh hợp lý.

Đặc biệt hơn cả, giải pháp công nghệ mới này sẽ làm cho thị trường âm nhạc trở nên minh bạch hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa sáng tạo ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Vì vậy ngay khi phần mềm này được đưa vào thử nghiệm đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía các nghệ sĩ. Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa là một trong những người đầu tiên tiếp cận công nghệ giám sát bản quyền âm nhạc này.

Bà nhận định phần mềm sẽ tạo ra được sự tin tưởng giữa người phải trả tiền bản quyền và người thu đồng thời nó sẽ bảo vệ được quyền lợi của các nghệ sỹ một cách hoàn thiện nhất. Đây có thể được coi là giải pháp giúp gia tăng giá trị sở hữu trí tuệ.

Nguồn: Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo