(APPA) Từng là ca sĩ chuyên nghiệp, gặt hái rất nhiều giải thưởng lớn trên sân khấu ca nhạc, nhưng NSƯT Hà Thủy đã chọn con đường không gắn bó mãi với sân khấu mà lui về hậu trường làm giảng viên thanh nhạc, phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ.
Với gương mặt đẹp sắc sảo, gây ấn tượng mạnh mẽ cho những ai lần đầu tiếp xúc, Đại tá, NSƯT Hà Thủy được mệnh danh là “bà đỡ” của các ngôi sao ca nhạc. Nhiều học trò của cô thành danh và được công chúng yêu mến như Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh, Phương Thảo, Hoàng Nghiệp, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên… Ít người biết rằng để có được như ngày hôm nay, giảng viên Hà Thủy đã phải miệt mài cố gắng nhiều đến như thế nào để từng bước khẳng định mình.
Sinh năm 1960 tại thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai, 17 tuổi, Hà Thủy bén duyên với nghệ thuật khi tình cờ được tham gia cuộc tuyển chọn văn công của Đoàn ca múa Quân đội tại thị xã Lào Cai. Nói là “tình cờ” bởi cô không nộp đơn dự thi mà chỉ đến đó xem mọi người thi. Khi hết người thi rồi, chợt có một chú trong ban giám khảo hỏi Hà Thủy có thi không, vậy mà không ngờ cô bé 17 tuổi ngây ngô trả lời “có”! Ấy thế mà chẳng bao lâu sau Hà Thủy nhận được giấy gọi của Đoàn ca múa Quân đội. Cùng lúc đó có giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Thủy phải đấu tranh tư tưởng và bảo vệ ý kiến của mình với gia đình. Cô bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình từ đó.Vào Đoàn rồi Hà Thủy mới biết mình là người bị chấm điểm năng khiếu kém nhất trong nhóm thi tuyển. Buồn, mất tự tin là điều khó khăn đầu tiên cô gặp phải nhưng đó cũng chính là động lực để Hà Thủy phải chiến thắng chính mình. “Một là học, hai là phải về quê”, không còn con đường nào khác buộc Hà Thủy lao mình như thiêu thân học và học. So với các bạn trong nhóm tuyển chọn văn công, Hà Thủy có phần thiệt thòi hơn bởi cô chưa từng học thanh nhạc và tham gia một buổi luyện thanh nào. Nhưng nhờ Hà Thủy có năng khiếu cảm thụ âm nhạc khá nhạy cảm nên các buổi học với cô trở nên không mấy khó khăn. Hà Thủy đã thi đỗ vào trường trung cấp nghệ thuật quân đội và trong 4 năm học, môn học nào cô cũng đạt điểm giỏi. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, cô tiếp tục thi vào hệ Đại học của Nhạc viện Hà Nội và là người duy nhất trong 8 người được cử đi học đỗ hệ chính quy chuyên ngành Thanh nhạc. Chặng đường 5 năm học đại học cũng là quãng thời gian liên tiếp Hà Thủy tham gia vào các cuộc thi giọng hát hay. Từ năm 1982, cô thi đơn ca chuyên nghiệp do Bộ VHTT tổ chức với ca khúc “Khúc hát người mẹ” và giành giải nhì, năm 1983 cô tiếp tục thi ca múa nhạc nhẹ tại Hải Phòng đoạt Huy chương vàng, đoạt Huy chương bạc đơn ca toàn quân năm 1985, 1987… Năm 1987, Hà Thủy tốt nghiệp đại học loại giỏi. Tạm gác chuyện học, cô hăng hái mang lời ca tiếng hát của mình đi khắp mọi miền tổ quốc phục vụ đồng bào và chiến sĩ nơi biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc, đảo Trường Sa… Ở những nơi đó, Hà Thủy nhận được biết bao tình cảm chan chứa yêu thương của mọi người giành cho cô ca sĩ bé nhỏ. Trở về Đoàn ca múa Quân đội công tác, Hà Thuỷ được lãnh đạo Đoàn tín nhiệm cử cô biểu diễn đơn ca nhạc nhẹ khiến doanh thu của Đoàn tăng lên một cách không ai ngờ tới. Cô được công chúng yêu nhạc biết đến qua các ca khúc nhạc nhẹ rất mới.
Hoạt động trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật được vài năm, vào năm 1992, Hà Thủy chuyển công tác về khoa chuyên nghiệp Ca – Múa – Nhạc, trường Trung cấp nghệ thuật Quân đội. Tại đó, cô tham gia giảng dạy thanh nhạc cho các học viên. Ở một lĩnh vực mới, Hà Thủy lại nhiệt tình truyền lại kinh nghiệm biểu diễn và luyện tập cho các học trò của mình. Giảng viên Hà Thủy tự làm cho mình cuốn “Nhật ký giảng dạy” mà ở đó, ưu khuyết điểm của mỗi học trò được cô ghi đầy đủ, cặn kẽ để từ đó đối với mỗi học trò cô lại có phương pháp giảng dạy riêng. Chỉ nhìn vào “Nhật ký giảng dạy” của Hà Thủy thì dễ dàng nhận ra được tấm lòng của một nhà giáo tâm huyết với nghề trong sự nghiệp giáo dục đào tạo. Và nhờ thế mỗi học viên đã khắc phục điểm hạn chế để ngày càng hoàn thiện giọng hát. Đó cũng chính là lý do mà có biết bao ca sĩ để lại dấu ấn trên thị trường âm nhạc Việt Nam nhờ được sự dìu dắt của cô giáo Hà Thủy. Sau hai năm giảng dạy, vào năm 1994, trong cuộc thi giảng viên dạy giỏi toàn quân, cô giành giải III.
Năm 1996, Hà Thủy đoạt giải III đơn ca thính phòng “công cua” mùa thu lần thứ I. Năm 1997, cô được đạo diễn người Pháp mời tham gia vào vai nữ chính trong vở Opera “Cuộc sống Paris” được công chúng thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Nhạc nhẹ – thính phòng – Opera, cả ba dòng nhạc Hà Thủy đều thể hiện mình một cách hoàn hảo, điều mà không nhiều ca sĩ kể cả trên thế giới và Việt Nam có thể làm tốt được. Cô đã tạo được nét cá tính trong âm nhạc: thông minh, nhạy cảm và năng động.
Kể từ cuộc thi Sao Mai năm 2000 đến nay, Hà Thủy được công chúng biết đến với vai trò là một chuyên gia thanh nhạc. Khán giả truyền hình thường thấy một người phụ nữ đẹp ngồi ngay sau bàn của Hội đồng nghệ thuật trong từng đêm diễn, trên tay là cuốn sổ và chiếc bút, luôn tay ghi chép. Ấy là chuyên gia thanh nhạc Hà Thủy đang ghi “Nhật ký giảng dạy” cho từng học trò của mình. Cô là giảng viên đầy uy tín và từng là Phó Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Hiện tại, Đại tá Hà Thủy là Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam – APPA
Nguồn: APPA